Case study – nghiên cứu tình huống đã là một phương pháp quen thuộc trong ngành giáo dục và đào tạo, được ứng dụng rộng rãi trong các trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp này đúng cách và phát huy hết công dụng của nó trong việc đào tạo và phát triển nhân viên.
Việc áp dụng hình thức đào tạo này đúng đắn góp phần gia tăng tối đa hiệu quả của khóa học bởi tính thực tế, cụ thể, dễ dàng vận dụng. Đây là bài phân tích chi tiết.
Nội dung bài viết:
Case study – Phương pháp đề cao sự thực tế và cụ thể.
Việc tiếp thu kiến thức bằng cách lắng nghe những chia sẻ, trình bày nặng tính lý thuyết của giảng viên sẽ khiến các học viên cảm thấy nhàm chán và không thúc đẩy phát triển tư duy hơn. Bằng câu chuyện thực tế, gần gũi xung quanh học viên, phản ánh điều đang xảy ra trong doanh nghiệp hoặc xu hướng trong ngành. Trong đào tạo, Case Study được sử dụng nhằm tăng mức độ thực tế của kiến thức và kích thích người học tham gia một cách hiệu quả hơn từ việc thảo luận, đưa ra giải pháp cho một tình huống.
Phương pháp này sẽ nêu bật những vấn đề trong các tình huống được đưa ra, không những giúp học viên chủ động hơn trong quá trình học mà còn khắc phục tình trạng thực tế là người học không áp dụng được những kiến thức vào thực tiễn.
Triển khai Case Study bằng 05 bước hiệu quả:
Bước 1: Nghiên cứu chủ đề
Vào thời điểm đầu của khóa học, giảng viên cần nêu bật lên chủ đề chính của buổi học cũng như mục tiêu mong muốn đạt được sau khi kết thúc. Cần đảm bảo rằng những lý thuyết xung quanh tình huống đặt ra đã được các giảng viên truyền đạt kỹ đến người học.
Để buổi học hấp dẫn và giúp học viên hiểu hơn, giảng viên có thể chuẩn bị trước những hoạt động, trò chơi liên quan đến tình huống. Ngoài ra, đây là lúc để các học viên biết nhiều về nhau hơn cũng như thu hẹp khoảng cách, nhằm khi cùng giải quyết tình huống sẽ dễ dàng, thể hiện tinh thần đồng đội tốt hơn.
Bước 2: Xác định tình huống và đưa ra câu hỏi.
Tình huống được đưa ra phải mang tính thời sự, sát với thực tế và thể hiện những thách thức thật sự đối với người học. Trong tình huống được cung cấp cần phải đầy đủ thông tin cần thiết, kích thích khả năng tư duy, thu hút sự chú ý và buộc học viên phải suy nghĩ, vận dụng khả năng trí tuệ và kiến thức để giải quyết tình huống. Giảng viên cần phải nghiên cứu kỹ các thông tin trong tình huống, độ dài hợp lý và có tính phức tạp vừa đủ.
Về câu hỏi thảo luận, giảng viên có thể đưa ra câu hỏi mở để người học triển khai. Dạng câu hỏi này yêu cầu người học tự đề ra giải pháp cho vấn đề trong tình huống, giúp học viên thoải mái và chủ động giải quyết theo cách của riêng mình. Ngoài ra giảng viên cũng có thể đưa ra các câu hỏi đóng, đề ra sẵn các biện pháp để người học chọn ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Bước 3: Hướng dẫn và thảo luận
Để giúp cho cuộc thảo luận trở nên hiệu quả hơn, giảng viên nên chia nhỏ các học viên thành từng nhóm nhỏ. Giảng viên cần dự kiến trước các biện pháp, vấn đề mà người học sẽ đề ra để có thể hướng dẫn thảo luận hợp lý. Khi nội dung có khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát, giảng viên cần phải sử dụng những câu hỏi hướng người học quay trở lại nội dung.
Bước 4: Đánh giá với cả lớp
Sau khi thời gian thảo luận kết thúc, các cá nhân hoặc nhóm sẽ nói lên quan điểm cách giải quyết cho tình huống được đặt ra. Các học viên sẽ cùng nhau đánh giá, đưa ra những so sánh để tìm ra cách giải quyết nổi bật hơn. Ngoài ra, trong bước này các học viên sẽ được lắng nghe ý kiến từ những nhóm khác để có thêm góc nhìn mới về tình huống.
Bước 5: Phân tích và bài học rút ra
Cuối khóa học, giảng viên sẽ đánh giá chung về sự tham gia của các học viên cũng như làm rõ và chốt lại những vấn đề được trao đổi. Lúc này, giảng viên và người học sẽ cùng đánh giá xem buổi học đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra hay chưa và từ đó rút ra thêm nhiều bài học, củng cố các kiến thức đã được áp dụng khi nghiên cứu tình huống.
Xem thêm: Điểm danh 08 phương pháp đào tạo hiệu quả nhất 2021